TUỔI NÀO NÊN HỌC BƠI Tuổi nào nên học bơi ? Đó là câu hỏi được nhiều ông bố bà mẹ quan tâm, nhưng hiện chưa có câu trả lời thống nhất. Nhiều nước trên thế giới đã cho trẻ sơ sinh học bơi.
Nhưng ở Việt Nam, do nhiều yếu tố tác động nên độ tuổi học bơi ở trẻ thường được khuyến cáo từ 5 – 6 tuổi. Để trẻ không bị hoảng loạn khi xuống nước cha mẹ phải rèn kĩ năng cho con từ trên cạn.
Sợ con tiếp xúc với nước quá có tốt không?
Ở nhiều nước trên thế giới, người ta đã có thể cho trẻ sơ sinh học bơi, vì bẩm sinh trẻ nhỏ luôn thích nước do đã quen nằm trong bụng mẹ khoảng hơn 9 tháng và đã có các phản xạ bơi lội được di truyền từ động vật có vú sang. Vì không sợ nước nên việc dạy trẻ sơ sinh bơi dễ hơn dạy trẻ lớn tuổi rất nhiều. Nhưng do thể chất non nớt, trẻ sơ sinh không học bơi ếch, bơi sải mà học làm quen với nước, học chìm đầu, chìm người vào nước để kích hoạt và duy trì các phản xạ bơi lội bẩm sinh ngay trong lúc tắm gội hàng ngày. Khi đã quen, trẻ được dạy thêm các kỹ năng lật mình, thả nổi ngửa để tồn tại lâu dài dưới nước và học bơi vào nơi nước nông hơn.
Ở Việt Nam, hiện đã có một số gia đình cho trẻ nhỏ học bơi theo cách mới này. Kết quả thu được đã đáp ứng được mong đợi của các ông bố bà mẹ. Tiếc là, có rất ít gia đình Việt Nam mạnh dạn như thế. Số đông các gia đình, khi tắm, gội cho trẻ, đã kiêng cữ nước thái quá, luôn sợ nước rơi vào mắt, lọt vào tai trẻ, vô tình làm cho trẻ trở nên sợ nước, khó học bơi sau này. Trong khi ở nhiều nước khác, việc dạy bơi cho mọi lứa tuổi (từ trẻ sơ sinh tới người lớn) khá thuận lợi, với các giáo trình khác nhau, thì ở Việt Nam trẻ đa phần chỉ có thể học bơi khi 5-7 tuổi và việc học bơi gặp nhiều khó khăn về hạ tầng cơ sở, kinh phí, người dạy.
Kỹ năng vượt qua nỗi sợ nước Việc trẻ nhỏ biết bơi cũng chưa thể đảm bảo an toàn tính mạng, bởi đã có nhiều người bơi giỏi vẫn chết đuối, đã có nhiều trẻ nhỏ chết đuối ở chỗ nước nông không bơi được, đã có nhiều vụ trẻ chết đuối tập thể do trẻ không biết bơi dìm chết trẻ biết bơi… Vì vậy, các bậc phụ huynh nên lưu ý, dạy con biết bơi chỉ là biện pháp an toàn cuối cùng trong phòng chống đuối nước. Đối với trẻ lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở, giáo dục phòng chống đuối nước cần được ưu tiên hàng đầu sau đó mới tới học bơi.
Trong trường hợp trẻ chưa biết bơi, khi rơi xuống nước thường khua đạp hoảng loạn để rồi phải hít thở nhiều hơn, dẫn tới nhanh sặc và chìm. Vì vậy, muốn thoát khỏi đuối nước nếu chưa biết bơi, cha mẹ nên huấn luyện trẻ (áp dụng với cả người lớn) lấy tay bịt mũi, nín thở trong 5 – 7 giây để không bị sặc nước, đồng thả lỏng cơ bắp để nước đẩy đầu nổi lập lờ sát mặt nước theo định luật Archimedes. Tiếp đó là dùng tay hoặc chân để quạt/đạp nước nhô đầu lên thở phì nhanh ra rồi há to miệng thở vào. Khi người rơi trở lại xuống nước, lại nín thở đợi nước đẩy nổi lên, rồi lại quạt tay/đạp chân thở ra thở vào… Với cách này, người không biết bơi có thể tồn tại lâu dài dưới nước chờ người đến cứu. Phải luôn nhớ “bình tĩnh thì nổi – hoảng loạn thì chìm”.
Để giúp trẻ không hoảng loạn khi rơi xuống nước, cha mẹ phải luyện tập kỹ năng thoát hiểm ngay trên cạn cho trẻ với các động tác sau: Hãy xả nước lên đầu, lên mặt, để biết cảm giác nước bắn vào mắt, vào tai, vào miệng như thế nào; Hãy thả mình vào bồn tắm đầy nước để cảm nhận sự bập bềnh của cơ thể trong nước; Hãy nín thở, nhúng đầu chìm vào chậu nước để biết cảm giác đầu, mặt, mũi chìm trong nước có kinh khủng không; Hãy tập thở ra bằng mũi khi đầu chìm vào chậu nước, thở vào bằng miệng khi đầu nhô khỏi chậu nước… Hãy tập luyện ngay trên cạn, mọi lúc, mọi nơi để vượt qua nỗi sợ nước.
Theo thống kê sơ bộ, một năm có khoảng 6.000 trẻ nhỏ chết đuối. Nguyên nhân không phải các em không biết bơi mà chủ yếu là do các em không biết nhận diện, tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm và làm những việc không nên làm.